Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
675
Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do Tổ chức y tế thế giới (WHO) phát động đã được Bộ Y tế tổ chức chiều nay, 21.11, tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Tại họp báo trước Lễ mít tinh, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), khẳng định: "Chắc chắn là có lạm dụng, có chỉ định dùng kháng sinh chưa phù hợp; còn tình trạng sử dụng kháng sinh không đúng với bệnh tật do nhiều người còn tự ý mua và sử dụng sử dụng kháng sinh. Chính vì vây, chúng ta mới cần đẩy mạnh truyền thông về vấn đề này".
Ông Khuê nêu thực trạng: “Phác đồ điều trị bệnh có thể thấy rất chỉn chu nhưng khi bình bệnh án thì vẫn phát hiện có chỉ định không đúng. Ví dụ với bệnh nhân chỉ cần dùng 1 loại kháng sinh nhưng bác sĩ vẫn cho dùng 2 kháng sinh; hoặc cho người bệnh được chỉ định dùng kháng sinh bao vây, do chưa có điều kiện làm kháng sinh đồ. Lạm dụng kháng sinh là khi có thể bị dùng quá liều. Ngoài ra, dùng thiếu liều hoặc dùng sai kháng sinh là có”.
Mặc dù kiểm soát số thuốc/đơn trong đợt điều trị có ý nghĩa quan trọng với việc giảm nguy cơ tương tác có hại của thuốc cũng như liên quan đến sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả, nhưng tại buổi họp báo, GS Ngô Quý Châu, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đã lâu, bệnh viện này không có thống kê về số thuốc được kê/đơn.
Giáo sư Châu cho rằng, để ngăn chặn kháng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc đúng liều, đúng thời gian.
“Đáng ra liều dùng là 3 gam thì lại chỉ 1 gam; hoặc 2-3 ngày đỡ bệnh thì dừng thuốc trong khi liều phải dùng đủ là 5-7 ngày; hoặc kháng sinh dùng cho nhiễm trùng phổi thì lại dùng cho bệnh khác. Thậm chí, đơn thuốc cũ do bác sĩ kê từ 1-2 năm trước đem ra mua mà không đi khám là rất nguy hiểm, khiến dùng thuốc không đúng với bệnh mắc phải”, GS Châu dẫn thực tế, và khuyến cáo việc tùy tiện mua và sử dụng kháng sinh như vậy dễ dàng gây kháng thuốc và còn nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt ở người có bệnh lý về thận, gan.
Chung tay chấm dứt tình trạng lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích
“Chúng ta có hệ thống các cửa hàng thuốc hiện đang chưa quản lý được, vẫn bán kháng sinh không theo đơn, mà có khi từng xảy ra ngay bên ngoài cổng Bộ Y tế”, ông Khuê nêu thực trạng sử dụng kháng sinh chưa được kiểm soát nghiêm ngặt là nguyên nhân quan trọng gây kháng kháng sinh.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng lo ngại khuyến cáo: kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam, do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi, và càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta.
Trước thực trạng trên, theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, "với chủ đề “Quản lý sử dụng kháng sinh cho tương lai” và “Không lạm dụng - Không dùng sai chỉ định”, chúng tôi khuyến khích tất cả mọi người, là cán bộ y tế, người nông dân, ngành nông nghiệp, người bệnh, cả cộng đồng thực hiện phần việc của mình, và chung tay giúp chấm dứt tình trạng lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích".
---------------------------------------
Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam
Việc lạm dụng, chỉ định kháng sinh chưa phù hợp có thể ít xảy ra trong bệnh viện nhưng vẫn còn tồn tại. Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc phòng chống kháng thuốc ở Việt.
Tuần lễ còn nhằm nâng cao nhận thực thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong y tế, trong cộng đồng, trong nông nghiệp, chăn nuôi; thúc đẩy công đồng và cán bộ y tế quan tâm, chia sẻ và cùng chung tay góp sức, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, giảm sự đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, góp phần giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, xã hội do kháng thuốc đối với con người.
(PGS-TS Lương Ngọc Khuê)
Liên Châu - Báo Thanh Niên
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec