CÀNG ƯU TÚ CHÚNG TA CÀNG COI NHẸ KỸ NĂNG HÒA NHẬP VỚI TẬP THỂ XUNG QUANH

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

07/09/2019 00:07

729

Rời khỏi một nơi chốn, người ta thường có xu hướng nhìn về phía trước, tìm kiếm chỗ làm mới “thực sự dành cho ta”. Hiếm ai ngoảnh nhìn về nơi mình đã rời đi để đặt câu hỏi: Vì sao ta không dành cho nơi ấy? Nhưng, đây lại là câu hỏi mang tính trải nghiệm cần thiết, giúp chúng ta đối diện vấn đề quan trọng: Kỹ năng ứng xử, hay cụ thể hơn là kỹ năng hòa nhập với môi trường mà ta hiện diện.

Không hợp với bầu không khí xung quanh. Không hợp với bạn học. Không hợp với đồng nghiệp. Không hợp với sếp. Không hợp với điều kiện làm việc... Những “cảm giác” này bất kỳ ai trong chúng ta cũng từng trải qua khi đặt chân vào một môi trường mới. Dường như có cả tỉ thứ không hợp, trong khi điều phù hợp chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Là do chúng ta kén chọn, hay quả thật chúng ta đang thiếu một kỹ năng cơ bản: " Hòa nhập với môi trường mới "

Nhìn nhận công bằng, thích nghi nhanh không phải là ưu thế của người trẻ Việt. Điều này bắt nguồn sâu xa từ văn hóa gốc. Cội rễ chúng ta đi ra từ nông nghiệp, coi trọng việc xây dựng cộng đồng an toàn trong một không gian ổn định, bền lâu. Điều này giúp đảm bảo hoạt động mùa vụ, đảm bảo vấn đề lương thực cho cộng đồng. Tư duy nông nghiệp không khuyến khích việc giao lưu, kết bạn với các cộng đồng khác. Tâm lý dè chừng trước người lạ, khó chịu trước biểu hiện khác biệt khiến các cá nhân thường duy trì một phạm vi quan hệ nhất định, chỉ lựa chọn kết thân với những ai gần giống như mình. Trong những môi trường mang tính quốc tế, chính vì thói quen thụ động, e ngại khi phải khởi đầu ở một chỗ mới, người Việt thường tụ lại cùng nhau, ít chủ động giao lưu với người ngoài. Hay một hiện tượng thường thấy, sâu xa cũng bắt nguồn từ cội rễ này, là việc có không ít bạn trẻ phản ứng quá mạnh trước những va chạm rất nhỏ. Chỉ cần ai đó lạ mặt bước vào khu vực của mình hay một cái “nhìn đểu” là đã có thể biến thành mồi lửa để xung đột bùng lên.

Một nguyên nhân khác hợp thời hơn là sự thiếu hụt kỹ năng.

Cũng như nhiều kỹ năng mềm khác, kỹ năng ứng xử và hòa nhập bị bỏ quên khá lâu trong các chương trình giáo dục ở mọi cấp bậc. Đơn cử dễ thấy, việc phân chia lớp theo năm học ở ta thường duy trì trong suốt cấp học. Ý thức về “lớp ta” hay “cộng đồng nhỏ của ta” in hằn rất sâu. Ở các nước khác, khái niệm chia lớp được thay bằng việc chia theo môn học, áp dụng từ cấp học nhỏ. Rất tự nhiên, trẻ em luôn phải gặp gỡ bạn bè mới, phải tự động thích nghi. Còn chúng ta, cho đến lúc đi làm, mới bỡ ngỡ phát hiện việc hòa nhập đối với mình là thử thách quá khó khăn. Mọi thứ phó mặc cho cảm nhận và may rủi… Chúng ta thiếu kỹ năng vì “trước đó có ai dạy đâu”. Không ít bạn trải qua nhiều môi trường luôn chỉ gặp cùng một vấn đề, nhưng không nhận ra đó là vấn đề để tìm được cách giải quyết.

Thực tế cho thấy, hiện tượng nhảy việc thường gặp nhất ở nhóm các bạn từng du học về nước làm việc. Trừ các bạn làm cho gia đình, hiếm bạn nào đầu quân ít hơn 2 - 3 công ty trong 5 năm đầu tiên. Giải thích về sự gãy đổ, các bạn thường nói về mức lương hay cơ hội thăng tiến.
Tuy nhiên, nguyên do sâu xa chính là khó khăn trong việc tìm được tiếng nói chung. Quen với cách bày tỏ thẳng thắn, đưa ra quyết định thiên về lý trí, mong muốn thay đổi để đạt hiệu quả nhanh, thật không dễ dàng gì khi tập quen cách ứng xử ở môi trường công sở trong nước, nơi vẫn coi trọng mối quan hệ, nơi mà lối cư xử khéo léo nương theo hoàn cảnh.
Biết người biết ta nhiều lúc lại ghi điểm hơn là tài năng đơn thuần.

Nguồn: Cafebiz

Tags

Tin liên quan