Bí quyết xin việc khi bạn chưa có kinh nghiệm làm việc

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

16/09/2020 00:07

791

Xin việc khi chưa có kinh nghiệm làm việc là một trong những điều thường xuyên nhất mà sinh viên mới ra trường hay gặp phải. Họ thường xuyên trăn trở với câu hỏi “Làm thế nào để tôi có thể có được một công việc nếu như tôi chưa hề có kinh nghiệm làm việc nào trước đó?”.

 

Như bạn biết đây, kinh nghiệm của tất cả mọi người đều bắt đầu từ con số không, do đó bạn cũng không phải là ngoại lệ. Có được tấm bằng đại học không phải là điều kiện đủ để bạn có thể có được một công việc như ý. Nó chỉ là bằng chứng để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn có kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực bạn đã được đào tạo. Còn sau đó, tùy thuộc vào thái độ chuyên nghiệp và khả năng vận dụng những gì bạn đã được học, được trải nghiệm, họ sẽ đoán chừng xem bạn có khả năng làm được ở vị trí bạn đang ứng tuyển hay không. Thời gian tìm việc  khi không hề có kinh nghiệm quả là rất dễ khiến bạn nản lòng, nhưng nếu bạn chịu cố gắng, có tham vọng và tự tin với bản thân, bạn hoàn toàn có thể thành công.

Dưới đây, pharmalink chia sẻ với bạn một số bí quyết để giúp bạn có thể tự tin hơn trong quá trình xin việc khi chưa có kinh nghiệm việc làm:

 

1.Chấp nhận thực tế và chăm chỉ hơn

Hiện nay, trên các trang web tuyển dụng có rất nhiều vị trí dành cho đối tượng sinh viên mới tốt nghiệp. Những vị trí này cũng chỉ yêu cầu khả năng, kinh nghiệm ở mức sơ cấp hoặc không yêu cầu kinh nghiệm. Bạn có thể thử apply vào các vị trí này để có nâng cao chuyên môn đồng thời tích lũy kinh nghiệm làm việc ở lĩnh vực mà bạn muốn.

Thay vì trông đợi vào tấm bằng của mình, hãy chấp nhận mình chưa hề có kinh nghiệm nào cả và tự tạo động lực cho mình học hỏi và tiến bộ nhiều hơn. Hãy thể hiện rõ ràng việc bạn sẵn sàng cống hiến, tìm hiểu, và thông qua sự cố gắng đó, bạn chắc chắn sẽ tiến bộ. Bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng muốn tìm được những nhân viên chăm chỉ, ham học hỏi và luôn sẵn sàng học hỏi như vậy.

 

2.Nhận ra các kỹ năng mình đang có

Lập một danh sách các kỹ năng cần có để đáp ứng vị trí mà bạn đang muốn ứng tuyển như: thành thạo tin học văn phòng, kỹ năng chuyên môn, có khả năng giao tiếp, khả năng nghiên cứu và giải quyết vấn đề tốt. Hãy xem bạn có thể đem đến cho nhà tuyển dụng những gì.

 

3.Phân tích khả năng bản thân phù hợp với công việc

Khi bạn muốn ứng tuyển vào bất kì vị trí nào, bạn đều phải có lý do để người khác tin rằng bạn có khả năng làm tốt công việc đó. Hãy dành một ít thời gian để phân tích sự liên kết nhé. Bạn có kinh nghiệm gì có thể hỗ trợ để làm công việc này? Bạn có điểm gì phù hợp với công việc? Hãy phân tích và sáng tạo trong suốt cả quá trình đánh giá. Một khi bạn đã liên kết được những gì của bản thân với công việc, bạn có thể thể hiện chúng trước nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn đầu tiên.

 

4.Làm nổi bật bản thân

Điều gì sẽ khiến bạn trở nên nổi bật so với những ứng cử viên còn lại? Hãy luôn nhớ đến việc thể hiện những phẩm chất bạn có như sự thân thiện, tính chuyên nghiệp, sự trung thành và kỷ luật trong bất cứ dự án hoặc công việc nào. Có được thái độ và tính cách tốt sẽ giúp bạn tiến xa trong công việc vì chúng không phải là thứ người khác có thể thật sự dạy cho bạn.

 

5.Hiểu được giá trị của bản thân

Bạn có thể không có nhiều năm kinh nghiệm trong công việc này, nhưng bù lại trong những việc bạn từng làm và việc bạn thể hiện thế nào sẽ giúp nâng cao giá trị của bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Kinh nghiệm không nhất thiết phải đến từ những công việc truyền thống của lĩnh vực đó. Những kỹ năng cần cho công việc có thể được phát triển từ các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Bạn nên cân nhắc trước những công việc nào giúp bạn có thể phát triển hơn trong công việc này và lấy đó làm vi dụ cụ thể.

 

6.Cân bằng giữa sự tự tin và suy nghĩ của người mới

Tự tin là điều quan trọng, nhưng điều đó phải đi liền với sự khiêm tốn và tự biết trước biết sau - những dấu hiệu cần có của một người bắt đầu tham gia vào một lĩnh vực mới. Hãy chứng minh bạn có thể làm gì để đáp ứng công việc thông qua các hành đông cụ thể, những bước đi cụ thể nhưng cũng phải luôn sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ phía đồng nghiệp, cấp trên. Bởi vì họ chắc chắn có nhiều kinh nghiệm hơn bạn, hãy lắng nghe một cách chân thành và chọn lọc những điều gì mà bạn cảm thấy cần thiết.

 

7.Bắt đầu với tinh thần tình nguyện hoặc các vị trí thực tập sinh

Nếu bạn không thể tìm được công việc, hãy thử những vị trí tình nguyện không lương hoặc thực tập sinh. Những vị trí tình nguyện viên thường dễ tìm hơn cả một công việc thực tập. Hãy tình nguyện tham gia các công việc có liên quan đến lĩnh vực bạn muốn bắt đầu nhiều nhất có thể hoặc thử apply vào vị trí thực tập sinh ở một công ty nào đó bạn cảm thấy hứng thú. Bạn sẽ không chỉ nhận được những kinh nghiệm vô giá mà còn xây dựng được mạng lưới quan hệ giao tiếp rộng rãi và biết đâu nhờ đó bạn sẽ tìm được một công việc tốt.

 

8.Xây dựng các mối quan hệ xã hội

Xây dựng mối quan hệ giao tiếp của riêng bạn chắc chắn sẽ là cách tốt giúp bạn có được một công việc tuyệt vời dù bạn ở bất kỳ độ tuổi nào. Tạo mối quan hệ tốt với tất cả những ai mà bạn biết – và thông qua họ, bạn lại mở rộng mối quan hệ của mình hơn. Sử dụng mạng xã hội, thông qua các nhóm, các tổ chức, những sự kiện chuyên nghiệp mà bạn có thể tham dự, những bữa ăn trưa, cà phê hay bằng bất cứ cách nào để duy trì các mối quan hệ xã hội của bạn. Quan trọng là hãy biết tận dụng những mối quan hệ đó để tìm kiếm cơ hôi bất cứ lúc nào.

 

9.Tiếp tục học hỏi

Bạn sẽ cần học hỏi nhiều hơn nữa để nâng cao hiệu quả đối với bất kỳ công việc mà bạn tham gia, ví dụ, ngay khi bạn thích thú và muốn khám phá thêm về luật pháp, đó có thể là thời điểm tốt để bạn nộp đơn vào trường luật. Nhưng ngay cả khi bạn không tham gia một chương trình học chính thức, hãy luôn học hỏi để bản thân theo kịp với thời đại và mở rộng kiến thức đang có – bằng những tín chỉ hoặc khóa học ngắn hạn, ghi danh vào các lớp học nâng cao, phát triển nghề nghiệp hoặc các khóa đào tạo đặc biệt, hay chỉ đơn giản là đọc thêm nhiều sách trong lĩnh vực đó.

 

10.Phải gắn liền với thực tế

Ngay cả khi bạn đã có được đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm, hãy chắc chắn rằng bạn đang ứng tuyển vào vị trí phù hợp với bản thân. Trong thị trường lao động hiện nay, các nhà tuyển dụng đã gần như hoa mắt với đầy những ứng cử viên xuất sắc, do đó, họ rất dễ bỏ qua những ứng viên tiềm năng thật sự. Hãy cẩn thận xem xét tiêu chí của công việc đó để có thể thể hiện bản thân mình thành công đúng cách, đừng chỉ nghĩ đến những gì bạn đang có, “tôi đã có những kỹ năng này”, mà hãy nghĩ đến những yêu cầu của vị trí mà bạn đang ứng tuyển bạn đã đáp ứng chưa?

Mỗi ngày, hãy làm điều gì đó để hướng tới công việc mình cần và xem đây như một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, một cơ hội để học hỏi và khám phá nhiều hơn chứ không phải là trải nghiệm phí hoài vô ich. Hãy giữ cho bản thân mình luôn đầy sức thuyết phục trong mắt nhà tuyển dụng, nắm chắc cơ hội trong tay và giành lấy công việc bạn mong đợi

 

Nguồn: careerlink.vn

Tags

Tin liên quan