Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
540
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hà Nội, hơn 4 tháng đầu năm nay Hà Nội ghi nhận trên 1.100 ca mắc sởi, so với cùng kỳ 2018 thì số bệnh nhân tăng rất mạnh.
Ông Cảm cho rằng năm 2019 là năm có dịch sởi theo chu kỳ. Không chỉ Hà Nội nói riêng và cả VN nói chung có số mắc sởi tăng mạnh so với 2018, mà các nước xung quanh dịch sởi cũng gia tăng, ở Philippines đã có khoảng 200 ca tử vong do dịch sởi trong những tháng gần đây.
Ngoài ra, ở nhiều nước châu Âu, Mỹ cũng đang có dịch sởi, trong khi đó đều là những nước đã công bố loại trừ dịch, còn VN thì dịch sởi vẫn đang là dịch lưu hành.
Ông Cảm cũng cho biết từ cuối năm 2018 Hà Nội đã dành ngân sách để triển khai tiêm chủng miễn phí cho trẻ 1-5 tuổi. Kết quả là số mắc sởi trong nhóm đã can thiệp tiêm chủng (khoảng 600.000 cháu) giảm mạnh, nhưng nhóm 6-10 tuổi có số mắc bệnh sởi cao. Dự kiến Hà Nội sẽ đề xuất tiếp tục tiêm ngừa cho nhóm tuổi này.
Tại TP.HCM, theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, trong 4 tháng đầu năm nay số ca mắc bệnh sởi lên đến 3.671 ca, tăng mạnh so với 4 tháng đầu năm 2018 (chỉ có hơn 20 ca).
Theo các chuyên gia, mỗi năm tại TP có một tỉ lệ trẻ không chích ngừa sởi, con số này cộng dồn trong 5 năm sẽ thành một con số lớn và số ca mắc sởi sẽ tăng theo chu kỳ khoảng 5 năm. Ngoài ra, cũng có một số ý kiến cho rằng TP.HCM có số dân nhập cư nhiều nên trẻ từ nơi khác mới đến có thể chưa được tiêm ngừa trước đó, hoặc quên lịch tiêm ngừa sởi khi đến sinh sống tại TP.
Trong số những trẻ mắc bệnh sởi nói trên, có đến 50% chưa tiêm ngừa và 50% mắc bệnh sởi chưa rõ tiền sử tiêm chủng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, dự báo nếu vẫn còn nhiều trẻ chưa đi chích ngừa sởi, số ca mắc bệnh sởi sẽ vẫn giữ ở mức cao và phải đợi đến khi số trẻ chưa chích ngừa sởi mắc bệnh hết thì số ca mắc sởi mới giảm mạnh.
Nhiều ca bị biến chứng viêm phổi
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, hiện tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 đang có hơn 20 trẻ mắc bệnh sởi, phần lớn số trẻ này bị biến chứng viêm phổi.
Tại Cần Thơ, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay các địa phương báo có 240 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm trước không ghi nhận trường hợp nào.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, hiện mỗi ngày có 20-35 ca mắc sởi kèm theo bệnh lý khác, trong khi những năm trước đây thỉnh thoảng mới có ca bệnh sởi nhập viện. Bác sĩ Huỳnh Hùng Dũng, trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết đa số bệnh nhi mắc sởi nhập viện thường có kèm theo bệnh lý viêm phổi.
Số trẻ mắc bệnh có đủ mọi lứa tuổi và thường rơi vào những trẻ chưa chích ngừa sởi hoặc chưa tiêm nhắc sởi mũi 2.
Để tăng cường miễn dịch cộng đồng phòng ngừa bệnh sởi, vào tháng 3 vừa qua, Sở Y tế Cần Thơ đã tổ chức chiến dịch tiêm văcxin sởi - rubella cho trẻ em từ 1-5 tuổi trên địa bàn. Có khoảng 43.000 trẻ tại các trường mẫu giáo, tại cộng đồng được tiêm bổ sung văcxin.
Số mắc sởi vẫn tăng, dù đã sang hè
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, riêng trong một tuần vừa qua cả nước đã ghi nhận hơn 1.000 ca sốt phát ban nghi sởi ở 57 tỉnh thành, trong đó có 138 ca dương tính với sởi. Tính chung từ đầu năm đã có trên 21.700 ca nghi sởi, trên 3.400 ca sởi dương tính, trong đó có 1 trường hợp tử vong ở Hải Dương.
Điểm đáng chú ý của mùa dịch năm nay là số mắc sởi vẫn đang tăng trong những tuần gần đây, dù thời tiết toàn quốc đều đã sang hè, trong khi dịch sởi thường được xếp vào nhóm dịch bệnh mùa đông xuân.
Bên cạnh đó, dịch sởi thường xuất hiện mạnh hơn ở khu vực phía Bắc, nhưng năm nay lại gia tăng mạnh số người mắc bệnh ở khu vực phía Nam.
Tiêm vét văcxin sởi để ngăn dịch lây lan
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch do virút sởi gây ra. Bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt là những nơi tập trung đông người như trường học, khu đông dân cư... Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và cũng có thể gặp ở người lớn khi không tiêm văcxin sởi đầy đủ hoặc tiêm chưa đủ liều (2 liều).
Theo BS Khanh, nếu một địa điểm nào đó xuất hiện ổ dịch sởi thì chứng tỏ tỉ lệ bao phủ văcxin ngừa sởi tại nơi đó còn rất thấp. Vì vậy, cần rà soát và tiêm vét văcxin sởi nhằm ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng.
Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi văcxin sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi đi tiêm văcxin sởi - rubella đầy đủ và đúng lịch.
2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban... cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
3. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
4. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
5. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
XUÂN MAI - Tuổi trẻ
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec