8 lời khuyên trong học tập dành cho sinh viên Dược

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

01/03/2019 00:08

1189

1.Dành thời gian học ngoại ngữ 

Ngày nay, ngoại ngữ rất cần thiết cho mọi người làm công tác khoa học đặc biệt với Dược sỹ cũng như sinh viên Dược. Sinh viên Dược sử dụng thành thạo tiếng Anh có thể dễ dàng tiếp cận nhiều thông tin thuốc, các nghiên cứu khoa học tiến hành trên toàn thế giới, đọc hiểu và dịch thuật các tài liệu chuyên sâu để chia sẻ cho người thân, bệnh nhân, đồng nghiệp thậm chí ngay trong công việc trong tương lai.

Theo Havard Business Review , thế giới hiện nay có 1,75 tỉ người đang sử dụng tiếng Anh để phục vụ cho công việc của mình.

Vào thời buổi hội nhập khi tiếng anh trở thành ngôn ngữ quốc tế, là “cầu nối” ngôn ngữ của khoa học, kỹ thuật, giao lưu văn hóa. Dược sỹ và sinh viên Dược không có trình độ tiếng Anh nhất định sẽ rất thiệt thòi về mặt khai thác kiến thức nhất là nguồn tài nguyên thông tin vô tận là Internet.  Để học tốt ngoại ngữ, người học cần phương pháp học phù hợp với bản thân và kiên trì tích lũy vốn ngữ pháp, từ vựng hàng ngày. Một điều chắc chắn, các giáo trình chuyên ngành hiện tại bạn đang học không thể cung ứng đủ lượng thông tin cập nhật cho bạn khi bạn ra trường. Bạn sẽ tụt hậu ngay trong lúc bạn đang ngồi trên ghế giảng đường. Môi trường đại học ở Việt Nam chỉ dạy cho bạn một kĩ năng duy nhất mà thôi: “tự nghiên cứu”. 

Tất nhiên việc phát triển đầy đủ các kĩ năng nghe nói đọc viết là cần thiết, nhưng hãy lựa chọn những kĩ năng cần thiết và thích hợp để bắt đầu!

Hãy dành thời gian đầu tư ngay từ bây giờ, đặc biệt là sinh viên, khi bạn còn nhiều thời gian rảnh rỗi.  

Cách luyện ra sao, thiết nghĩ, ta không bàn luận nữa vì hiện nay rất nhiều trang web lẫn fanpage đang hướng dẫn các bạn chi tiết rồi. Ở đây tôi chỉ nói về vai trò của ngoại ngữ, đặc biệt là ngoại ngữ chuyên ngành giúp ích ra sao cho việc nghiên cứu sâu hơn những gì chúng ta chưa rõ thông qua các trang web chuyên ngành.

2. Ghi chép thông minh bài giảng trên lớp

Ghi chép thông minh bài giảng trong giờ học là một trong những điều quan trọng nhất để học tốt ở trường Dược. Có nhiều phương pháp ghi chép bài giảng khác nhau, bạn cần tìm ra phương pháp hiệu quả nhất dành cho mình. Bạn có thể tham khảo một số phương pháp ghi chép bài giảng như:

Phương pháp ghi chép Cornell

Ghi chép bài giảng theo phương pháp này, bạn chia tờ giấy (hoặc trang vở) ghi chép của mình thành 2 cột:

+ Cột bên trái để ghi các ý chính (hoặc các câu hỏi, các từ khóa).

+ Cột bên phải để ghi chép những chi tiết liên quan đến ý chính tương ứng ở bên trái.

+ Ở phần cuối của trang giấy, bạn dành khoảng 5-7 dòng để ghi lại bản tóm tắt toàn bộ nội dung những gì mình đã học. 

Ngoài ra bạn cũng có thể tham khảo phương pháp lập dàn ý (Outline)

 

Phương pháp outline: Dàn ý chia thành các ý chính, ý phụ (các luận điểm, luận cứ, luận chứng). Mối quan hệ giữa các ý thể hiện qua khoảng cách từ đầu dòng của một ý đến lề (Indention). Khoảng cách này càng lớn thì mức độ khái quát của ý càng giảm.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo các phương pháp vẽ sơ đồ, biểu đồ, đánh dấu (gạch chân) từ khóa trong câu… Bạn không cần ghi chép tất cả bài giảng của thầy cô, bạn chỉ cần viết những ý chính, từ khóa thôi.                                    

Không có một phương pháp tốt hơn hẳn những phương pháp khác, chỉ có phương pháp phù hợp nhất với từng người học. Ghi chú theo cách hiệu quả nhất đối với bản thân, cần luôn đặt các câu hỏi và tự tìm ra câu trả lời bằng cách tham khảo tài liệu trong chương trình, trong các chương, trong các bài giảng. 

Các chuyên gia đều đồng ý tầm quan trong trong sắp xếp hợp lý và liên kết trong ghi chép tích cực bằng từ ngữ riêng và tìm câu trả lời cho các thắc mắc cũng như lập các mối liên hệ giữa các môn học. Các nghiên cứu cho thấy bạn chắc chắn bạn sẽ nhớ hơn và hiểu hơn các thông tin trong quá trình học tập tích cực.

Tôi thường đem theo máy tính xách tay để ghi bài trên lớp và và sử dụng cách trình bày theo dàn ý. Điều này giúp tôi tiết kiệm được thời gian ghi chép cũng như tra cứu nhanh thông tin mỗi khi có bất cứ câu hỏi nào chợt hiện ra trong suy nghĩ. Tôi cũng thường mang theo giấy dính để ghi chú nhanh sau đó dán vào tài liệu, mỗi lần nhìn vào giấy dính tôi biết được những điểm cần lưu ý trong bài học mà không mất nhiều thời gian tìm kiếm trong sách

Biểu đồ mindmap 

Học thông qua biểu đồ mindmap giúp bạn hệ thống lại kiến thức và ôn bài rất nhanh, dù cách làm có hơi tốn thời gian một chút nhưng cách học này sẽ giúp bạn nhớ lâu và rà soát lại hệ thống trong  tíc tắc.

3. Sắp xếp thời gian hợp lý

Time management skill

Sắp xếp thời gian hiệu quả là cốt yếu để sử dụng thời gian rảnh rỗi hạn hẹp hiệu quả nhất có thể. Do có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên, phải viết tiểu luận, đi thực tập phòng thí nghiệm, đi thi, bạn dễ không thực hiện được đúng lịch và hoàn thành những việc phải làm đúng thời hạn.

Đặt và thực hiện một lịch làm việc chi tiết cho tất cả các kỳ thi sắp tới và bài tiểu luận, cùng với cam kết tham gia các buổi ngoại khóa. Sau đó bạn có thể bắt đầu sắp xếp thời gian hàng ngày để dần dần bắt đầu nghiên cứu hoặc hoàn thành công việc cần thiết.

Điều này sẽ giúp bạn quản lý hiệu quả thời gian và tạo ra một thói quen học tập hàng ngày. Bạn có thể lập kế hoạch cho cả kỳ học, kế hoạch một tháng, hay kế hoạch hàng ngày.

Sử dụng Ma trận Eisenhower  ( THE EISENHOWER MATRIX)

Để quản lí công việc của bạn một ngày, bạn hãy dùng ma trận này, sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc để giải quyết từng thứ một. Ma trận này do tổng thống Hoa Kỳ Dwight D.Eisenhower nghĩ ra để giúp ông làm việc và ra quyết định hiệu quả hơn khi làm việc.  Hãy tập thói quen tạo ra ma trận này trước mỗi ngày làm việc của mình. Bạn sẽ thấy mình giải quyết được rất nhiều thứ quan trọng trong một ngày.

4. Học nhóm 

 Học nhóm có rất nhiều lợi ích và rèn luyện được nhiều kĩ năng bạn không ngờ đến.

Đầu tiên, sinh viên có cơ hội tham gia thảo luận, đào sâu hơn về các chủ đề trong bài giảng và đưa ra ý kiến của mình, cùng nhau tranh luận. Từ đó cùng nhau tìm ra câu trả lời. Do vậy sinh viên sẽ hoàn thiện được phần kiến thức chưa nắm vững. Ngoài ra, học tập theo nhóm giúp bạn tăng kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm giữa các thành viên. 

Tiến sĩ Gary C. Ramseyer, Giáo sư danh dự tâm lý học tại Đại học Illinois Hoa Kỳ khuyên sinh viên nên học nhóm 3 người hoặc 4 người và cũng nên thực hiện ít nhất một lần một tuần.

Nội dung các buổi thảo luận có thể gồm thuyết trình, giải thích về các khái niệm, các kỹ năng, cung cấp các thông tin khác nhau. Việc này giúp sinh viên hiểu sâu sắc hơn về một vấn đề. 

Và khi đi làm, bạn sẽ phát hiện ra nhiều điều, rằng, sự thành công của một tổ chức, cần sự cộng lực của nhiều cá nhân đóng góp. Một mình, bạn sẽ không làm được điều gì lớn lao cả.

Để làm được điều này, bạn cần kiếm những người thực sự muốn học nhóm

Đầu tiên mỗi sinh viên nên tự nghiên cứu tài liệu, ghi lại những điểm chưa thực sự hiểu. Sau đó trao đổi với các bạn khác trong nhóm để tìm ra câu trả lời. Cần có một team leader hoặc host để điều hành, làm ban giám khảo khi có tranh luận. Học nhóm giúp bạn luyện được kĩ năng phản biện “critical thinking” một trong những kĩ năng cần có của thế kỉ 21.

Quan trọng, khi phản biện, hãy tập trung vào vấn đề mình không đồng ý và đưa ra phương án đồng thuận chung sau khi tranh luận, không chỉ trích cá nhân.

Hãy thử tập học nhóm bằng một số topic cơ bản: như đề tài chiến tranh chẳng hạn. Đây là cách học của trẻ em Châu Âu  khi học về Đệ Nhị Thế Chiến, thầy giáo chia phe, một bên đồng minh, một bên phát xít, các em được về nhà Google toàn bộ thông tin lịch sử trong vài ngày, sau đó  giải thích quyết định một trận đánh lớn và đưa quan điểm của mình và cãi nhau chí choé. Thầy giáo sẽ kết luận sự kiện bằng một góc nhìn và dạy cho các em bài học cần nhớ khi quyết định một vấn đề. Các em học được kĩ năng ra quyết định (decision making skill), hiểu sâu hơn về lịch sử cha ông nghĩ gì mà lại làm vậy và tránh làm về sau. (tất nhiên, các em sẽ học được cả đống nhân vật quan trọng xung quanh cuộc chiến và tại sao họ lại có tư tưởng như vậy).

Sau khi đọc được bài này, bạn hãy thử đưa ra một topic để mọi người cùng nghiên cứu và bàn luận xem sao.

5. Tránh mất tập trung

 

Có những cách làm đơn giản giúp bạn tránh sao nhãng và tập trung hoàn toàn vào việc học. Ví dụ tắt điện thoại, ti vi, tránh xa các phương tiện truyền thông hay ngồi học ở vị trí bạn yêu thích. Bạn có thể học tại một nơi hay nhiều nơi khác nhau miễn là hiệu quả đối với bạn. Đối với bản thân, tôi hay học ở phòng học tại nhà.

Ngoài ra tôi còn đến thư viện để đọc tài liệu tham khảo. 

 

6. Tìm sự giúp đỡ

 

Sinh viên có thể tìm gặp các thầy cô (trợ giảng, giáo sư) trong trường để hỏi ý kiến hay nhờ thầy cô giảng giải những vấn đề chưa thực sự hiểu. Thường xuyên trao đổi kiến thức đã được học tập với các thầy cô sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn bài học và thể hiện sự ham học hỏi của sinh viên. Bạn nên tham gia làm đề tài nghiên cứu khoa học cùng với thầy cô.

Với kinh nghiệm của bản thân, tôi đã học được rất nhiều điều khi tham gia vào một đề tài như kỹ năng tìm kiếm thông tin; đọc, dịch, tổng hợp tài liệu hay kỹ năng thực tập ở các cơ sở sản xuất, các phòng thí nghiệm.

Trước mỗi kỳ thi, các thầy cô sẽ giới hạn phần học để bạn ôn tập và chuẩn bị kỳ thi thật tốt. Bạn nên tập trung vào phần kiến thức tổng hợp này. Ngoài ra bạn cũng nên lân la hỏi han kinh nghiệm thi của các anh chị đi trước để tạo kĩ năng network.

7. Đừng học nhồi nhét

Mẹo này có liên quan đến việc quản lý thời gian. Học nhồi nhét kiến thức vào buổi tối trước khi thi môn dược lý có thể là cách giải quyết tạm thời để vượt qua kỳ thi nhưng các nghiên cứu cho thấy: Học nhồi nhét và không ngủ ngay trước kỳ thi có thể phản tác dụng.

Vì vậy, bạn nên học tập hàng ngày. Từ kinh nghiệm của tôi, cách dễ nhất để không bị stress ở trường dược là học tập hàng ngày và tránh học nhồi nhét trước kỳ thi.

 

8. Đừng học quá nhiều

Kiến thức là vô hạn, học là một quá trình tích luỹ kiến thức cả đời. Tạo áp lực cho bản thân để cập nhật kiến thức mới là điều tốt để thử xem sức chịu đựng của bạn ra sao, tuy nhiện đừng tạo áp lực cho bản thân quá nhiều sẽ tạo ra tác dụng ngược dễ làm bạn stress và chán nản.

Cân bằng giữa học tập và thư giãn để việc học trở nên thú vị và hiệu quả. Nếu bạn học quá nhiều, sẽ rất khó ghi nhớ lại các thông tin quan trọng. Thay vì tận dụng từng giây để học, bạn nên có những giờ giải lao ngắn để phục hồi năng lượng.

Tham gia và các câu lạc bộ trong trường như CLB tiếng Anh không những giúp bạn giao lưu, kết nối bạn bè mà khả năng sử dụng tiếng Anh của bạn cũng tăng lên đáng kể.

Nguồn tham khảo thêm: Pharmacy Times 

Lê Thị Thuỳ Dung

Tags

Tin liên quan