Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
675
Cách đây hơn 2 tuần, sau thử nghiệm khá thành công của Moderna về vaccine chữa Covid, Gilead – một công ty dược lớn khác của Mỹ lại đưa ra những kết quả thí nghiệm trái ngược, khi thuốc của công ty này trong giai đoạn thử nghiệm thứ ba không hề cải thiện tình trạng cho các bệnh nhân mắc chứng bệnh này.
Rõ ràng, đây là một tín hiệu hết sức đáng lo ngại cho toàn cầu trong bối cảnh số người nhiễm bệnh vượt con số 6 triệu. Những tin đồn gần đây về việc Gilead sáp nhập với Astrazeneca, hãng dược số 1 tại Anh tiếp tục mang lại cho toàn thế giới những hi vọng mới về một loại vaccine sẽ được sản xuất vào cuối năm nay. Tuy nhiên, liệu đây có thực sự là điều người bệnh mong chờ, hay họ sẽ trở thành những con “bò sữa” của hai hãng dược này?
Gilead Science là một công ty dược phẩm sinh học của Mỹ có trụ sở tại Foster City, California được thành lập năm 1987 chuyên nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa các loại thuốc. Công ty tập trung chủ yếu vào các loại thuốc chống vi-rút được sử dụng trong điều trị HIV, viêm gan B, viêm gan C và cúm, bao gồm cả Harvestoni và Sovaldi.
Gilead chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán NASDAQ vào tháng 1/ 1992, với cuộc IPO trị giá 86,25 triệu USD. Sau 33 năm hình thành và phát triển, công ty trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dược tại Mỹ, có doanh thu năm 2019 đạt 22.45 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế đạt 5.39 tỷ USD.
Tuy nhiên, đi cùng những con số này là vô số những tai tiếng đi kèm: công ty đã cố tình trì hoãn việc phát triển thuốc TAF dùng cho việc phòng chống HIV, mặc dù thuốc cũ TDF gây ra nhiều tác dụng phụ nhằm tìm kiếm thêm lợi nhuận. Không chỉ vậy, thuốc sofosbuvir được cấp bằng sáng chế cho Gilead dùng để điều trị các bệnh về gan được bán với giá lên tới 1000 USD/ viên tại Mỹ, một mức giá không tưởng cho một loại thuốc vốn rất quan trọng với người bệnh.
Hãng này còn liên quan tới một số bê bối khác về việc loại bỏ sự cạnh tranh công bằng thông qua các thỏa thuận cấp phép tự nguyện (VLA) và việc đặt giá quá cao với nhiều loại thuốc được phát triển từ nguồn vốn cộng đồng.
Và thuốc trị Covid lần này cũng không phải ngoại lệ với công ty này, khi họ nhanh chóng được cấp chứng nhận "thuốc mồ côi" cho Remdesivir từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ vào ngày 23 tháng 3 năm 2020.
Thuốc mồ côi (orphan drugs) là chứng nhận dành cho các loại thuốc điều trị các căn bệnh hiếm gặp và vẫn chưa có phác đồ điều trị rõ ràng; các loại thuốc này thường được bán với giá cao hơn các loại thuốc thông thường nhiều lần. Bằng việc được cấp chứng chỉ này, Gilead được độc quyền sản xuất loại thuốc này mà không phải trả thuế và phí cho nhà nước.
Trái lại, họ nhận được khoản đầu tư lên tới 75 triệu USD tài trợ từ chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên dưới sức ép của nhiều phía, Gilead đã phải từ bỏ tình trạng "thuốc mồ côi" cho remdesivir nhưng vẫn giữ bằng sáng chế 20 năm cho loại thuốc này tại 70 quốc gia trên thế giới.
Mặc dù được đầu tư như vậy, nhưng sự hiệu quả của loại thuốc được nghiên cứu bởi Gilead vẫn là một dấu hỏi vô cùng lớn. Dù đã cho thấy những dấu hiệu khả quan trong 2 giai đoạn đầu tiên, nhưng giai đoạn tiếp theo vừa được thực hiện chưa cho thấy sự hiệu quả của thuốc. Trong thử nghiệm giai đoạn 3 với remdesivir, một nhóm bệnh nhân với triệu chứng bệnh ở mức vừa phải đã được điều trị bằng loại thuốc này trong 5 ngày.
Kết quả thu được tương đối thất vọng, khi họ cho thấy sự cải thiện tình trạng sức khỏe rất khiêm tốn so với những người được điều trị theo phác đồ tiêu chuẩn. Khó hiểu hơn, những bệnh nhân sử dụng thuốc trong 10 ngày thậm chí có sức khỏe kém hơn so với những người không sử dụng và được điều trị bình thường; chỉ 70% trong số họ có tiến triển hơn kể từ ngày thứ 11.
Như vậy có thể thấy, các bệnh nhân sử dụng thuốc trong thời gian dài hơn là 10 ngày có kết quả không tốt như việc sử dụng chúng trong vòng 5 ngày. Tuy nhiên, sự khác biệt là vô cùng khiêm tốn và không thể đưa ra nhiều kết luận.
Nhìn chung, sau giai đoạn tăng trưởng đầu năm tới 16% nhờ những sự lạc quan của nhà đầu tư về thuốc remdesivir, cổ phiếu của Gilead bắt đầu có dấu hiệu giảm giá nhẹ, ở mức 73.2 USD/ cổ phiếu vào ngày 12/6 vừa qua. Về cơ bản, các loại thuốc đem lại hi vọng chữa trị Covid – 19 giúp giá cổ phiếu của các doanh nghiệp dược phẩm tăng rất mạnh trong giai đoạn đầu năm; tuy nhiên tới giai đoạn thử nghiệm như trường hợp của Gilead, thuốc chưa thực sự có hiệu quả khiến cho giá cổ phiếu bắt đầu giảm nhẹ.
Tuy nhiên, những tin đồn về thương vụ sáp nhập giữa Gilead và Astrazeneca mới đây nhất lại mang thêm hi vọng cho không chỉ người bệnh mà cả các nhà đầu tư. Astrazeneca là công ty dược lớn nhất ở Anh theo vốn hoá, chuyên nghiên cứu về thuốc chữa ung thư và tim mạch, hiện đang có giá trị lên tới 140 tỷ USD.
Cũng như Gilead, Astrazeneca có một lịch sử không mấy tốt đẹp về việc phát triển thuốc, trong đó phải kể đến Seroquel chữa trầm cảm. Để tối đa hóa lợi nhuận, công ty đã bỏ qua nhiều tác dụng phụ, đáng nói nhất là việc thuốc này có thể gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh của bệnh nhân và tiểu đường.
Kết quả, công ty phải trả tới 350 triệu USD để giải quyết 23,000 vụ kiện về các cáo buộc cho rằng Seroquel gây ra bệnh tiểu đường; cùng những khoản tiền lớn khác để giải quyết các vấn đề liên quan đến quảng cáo sai sự thật.
Hiện tại, Astrazeneca đang có những nghiên cứu quan trọng cùng với Đại học Oxford về thuốc chữa Covid - 19, và hãng này đã tuyên bố 2 tỷ liều vaccine chống dịch đã sẵn sàng để sản xuất. Mặc dù chưa có sự đảm bảo chắc chắn rằng vaccine sẽ hoạt động, nhưng công ty đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất để rút ngắn thời gian trong trường hợp thuốc có hiệu quả. Công ty sẽ sớm thử nghiệm thuốc trong giai đoạn 2 sau khi giai đoạn 1 cũng có kết quả không quá khả quan giống như Gilead.
Dù vậy, sự kết hợp giữa 2 công ty được đánh giá là sẽ giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và thử nghiệm thuốc, khi cả hai đều đã có những kết quả bước đầu. Nếu điều này thực sự xảy ra, đây sẽ là một trong mười thương vụ sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay và lớn nhất trong lịch sử ngành dược thế giới. Tuy nhiên người phát ngôn của hai công ty hoặc từ chối đưa ra nhận định, hoặc phủ nhận tin đồn này. Giá cổ phiếu của Astrazeneca cũng đã giảm nhẹ, nhưng tăng gấp 1.5 lần sau giai đoạn đầu năm.
Về dài hạn, nếu các loại thuốc này thực sự có hiệu quả, Gilead và Astrazeneca cũng khó lòng đưa ra mức giá "cắt cổ" như họ từng làm trong quá khứ, trong bối cảnh Gilead đã nhận tài trợ từ chính phủ Mỹ còn Astrazeneca cũng nhận được sự trợ giúp của Đại học Oxford.
Hai hãng dược này, nếu kết hợp, cần phải đưa ra một mức giá phù hợp để càng nhiều người có thể tiếp cận phương thuốc này càng tốt, khi mà dịch Covid – 19 ở Mỹ đang có dấu hiệu của đợt sóng thứ 2. Tuy nhiên, đó là trong giai đoạn 1 năm tới đây; với lịch sử không mấy tốt đẹp của mình, chưa chắc hai hãng này sẽ chịu giảm mức lợi nhuận để giúp đỡ người bệnh.
Họ hoàn toàn có thể tăng giá thuốc lên chóng mặt trong những năm sau đó, khi đã có được bằng sáng chế, như những gì đã từng trong quá khứ với sofosbuvir (Gilead) và Seroquel (Astrazeneca). Sự kết hợp giữa hai gã khổng lồ ngành dược này được nhiều người đánh giá là "cỗ máy in tiền" trong tương lai, hơn là niềm hi vọng cho các bệnh nhân đang mắc phải dịch Covid – 19.
Như vậy, hi vọng tìm ra vaccine đẩy lùi căn bệnh Covid -19 mặc dù còn rất gian nan vất vả nhưng đã có thêm hi vọng lớn. Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành dược của Mỹ và thế giới, việc kết hợp giữa Gilead và Astrazeneca, hãng dược số 1 của Anh sẽ giúp quá trình nghiên cứu và sản xuất thuốc trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn, nhất là sau khi cả 2 hãng dược đều đã có những kết quả nhất định qua các lần thử nghiệm trên người.
Thương vụ sáp nhập rất được mong chờ này mang lại không chỉ niềm tin vào việc vaccine sẽ được sản xuất vào cuối năm, mà còn hi vọng sẽ giúp chấm dứt hoàn toàn đại dịch trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, trong tương lai nhiều năm tới, nếu hai hãng dược này nắm được bằng sáng chế vaccine, và với lịch sử không mấy tốt đẹp của họ, bệnh nhân của dịch Covid nhiều khả năng sẽ lại trở thành những con "bò sữa" với những hóa đơn thuốc khổng lồ.
Tiến Đạt
Theo Nhịp sống kinh tế
Tin liên quan
TALK 02: TIÊU CHUẨN CỦA TRỢ LÝ NHÃN HÀNG THÀNH CÔNG
18 - SepOctNovDec
TALK 01: QUẢN LÝ BÁN HÀNG KÊNH OTC
13 - SepOctNovDec