Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
772
Những người sở hữu tư duy chiến lược có những cách đóng góp rất riêng vào từng bước đi của mỗi doanh nghiệp. Thứ nhất, họ là những người biết nhìn xa, họ đoán biết và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho những sự kiện khó khăn nhất sẽ xảy đến. Thứ hai, họ có xu hướng nhìn ra bức tranh tổng thể, phát giác những khó khăn cốt lõi và nhìn thấy mối tương quan giữa các nhân tố tồn tại trong mô hình kinh doanh và phát triển. Thứ ba, họ cực kì nhạy bén với các xu hướng kinh tế – xã hội mới, và cuối cùng sở hữu một góc nhìn toàn cầu hóa.
Nhưng đáng tiếc, nhận biết và đánh giá khả năng tư duy chiến lược của ứng viên để không bỏ lỡ họ luôn không phải là một điều dễ dàng. Đừng chỉ chăm chăm vào hồ sơ ứng viên, các buổi phỏng vấn xin việc mới chính là cơ hội sống còn để nhà tuyển dụng khai phá và nhận diện những tài năng không dễ kiếm này. Sau đây là 6 tuyệt chiêu giúp bạn làm được điều đó:
Tuyệt chiêu 1 – Cho họ những vấn đề thật sự có-vấn-đề
Đây là cách tiếp cận hiệu quả nhất cho đến thời điểm hiện tại: cung cấp cho ứng viên một vấn đề cần họ đưa ra hướng giải quyết trong cuộc phỏng vấn. Đây là lúc nhà tuyển dụng có thể sử dụng một tình huống thực tế chưa được giải quyết tại chính công ty của bạn, dĩ nhiên phải hết sức tinh tế. Điều này có thể mang lại cho bạn những giải pháp vượt ngoài mong đợi. Hoặc bạn có thể mang vào buổi phỏng vấn một vấn đề mà bản thân đã từng đối mặt trước đây, và dĩ nhiên là bạn đã giải quyết quyết được nó và biết được những điều thiết yếu nhất cần có trong câu trả lời từ ứng viên là gì. Dù bạn chọn cách nào đi nữa, thì việc mô tả thật đầy đủ vấn đề, cho ứng viên đủ thời gian để suy nghĩ và trình bày với bạn từng ý tưởng hay cách thức để giải quyết vấn đề mà bạn đưa ra là điều bắt buộc.
Những gì bạn nên tìm kiếm trong phản hồi từ ứng viên sẽ thay đổi tùy theo vấn đề cụ thể mà bạn đặt ra, nhưng chung quy đều có có những bước cần thiết sau:
- Lập danh sách các vấn đề tiềm ẩn
- Kiểm tra kế hoạch chiến lược
- Xem xét các dự báo nhiều năm của công ty và lĩnh vực hoạt động
- Xác định và theo dõi các yếu tố ảnh hưởng từ môi trường kinh tế
- Xác định và tham khảo ý kiến của các bộ phận liên quan
- Xác định các các mối tương quan và phụ thuộc lẫn nhau giữa các yếu tố, bao gồm các số liệu dự đoán
- Trình bày, thảo luận với khách hàng
- Đo lường thành công sau khi thực hiện và sử dụng dữ liệu để điều chỉnh
Trong nhiều trường hợp, tùy thuộc vào tính chất công việc, bỏ qua một bước quan trọng như trình bày, thảo luận với khách hàng sẽ là một điểm trừ trực tiếp rõ ràng cho bất kỳ ứng cử viên nào.
Tuyệt chiêu 2 – Dùng một kế hoạch chiến lược ẩn chứa nhiều rủi ro thất bại làm mồi để ứng viên trổ tài đánh giá và phân tích rủi ro
Việc dùng một kế hoạch chiến lược ẩn chứa những rủi ro mà chính bạn là người hiểu rõ sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc đánh giá khả năng phân tích vấn đề và phát hiện rủi ro của ứng viên. Đừng vội đổi sang câu hỏi khác hoặc mất hy vọng ở ứng viên khi họ đưa ra những đáp án đầu tiên chưa thực sự thuyết phục, hãy lắng nghe toàn bộ câu trả lời và xác định họ tìm ra bao nhiêu trong số những vấn đề mà bạn biết. Có thể những rủi ro tìm được trong câu trả lời từ ứng viên chính là điều tiếp theo bạn cho vào danh sách những rủi ro của mình.
Tuyệt chiêu 3 – Đặt câu hỏi cụ thể nhất có thể
Một số câu hỏi sau sẽ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng xác định được tư duy chiến lược của ứng viên như sau:
- Làm thế nào bạn có thể tìm được mối liên kết, sự tương quan và phụ thuộc lẫn nhau giữa các yếu tố trong một bản kế hoach chiến lược?
- Ở công ty hiện tại của bạn, khi làm việc trong một dự án chiến lược, làm thế nào để bạn xác định các cá nhân hay bộ phận liên quan?
- Bạn có, đã và đang làm gì để trở thành một người tư duy chiến lược? Làm thế nào để bạn đo lường sự thay đổi đó?
Tuyệt chiêu 4 – Tìm kiếm những từ khóa quan trọng thể hiện tư duy chiến lược trong câu trả lời của ứng viên và đặt câu hỏi với chúng
Rất ít ứng viên có thể đứng trước nhà tuyển dụng để tự “vỗ ngực xưng tên” rằng mình là người có tư duy chiến lược, hoặc nếu có thì càng là điều nhà tuyển dụng cần phải tìm ra nó trong buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, có rất nhiều những cụm từ khác có thể là “ám hiệu” cho tố chất này trong câu trả lời của ứng viên như “mục tiêu chiến lược”, “đa chức năng”, “gia tăng lợi nhuận”, “đưa ra quyết định dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu”, “phân tích rủi ro”,…
Các ứng viên thường xuyên định lượng kết quả công việc của họ bằng những giá trị thiết thực tác động đến doanh thu rất có thể là những người đang sở hữu một tư duy và tầm nhìn chiến lược đích thực. Sau khi ứng viên sử dụng một trong những cụm từ này, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu họ định nghĩa và giải thích tầm quan trọng của nó trong công việc của họ. Điều này sẽ giúp bạn phân biệt được ứng viên đang chỉ dùng những cụm từ bắt tai để gây ấn tượng với bạn hay thực sự sở hữu những tố chất đó.
Tuyệt chiêu 5 – Khai phá tầm quan trọng của tư duy chiến lược trong góc nhìn của ứng viên
Việc yêu cầu một ứng viên liệt kê các năng lực hay điểm mạnh của họ theo mức độ quan trọng cũng là một cách giúp bạn nhận diện liệu họ có phải một người có tư duy chiến lược hay không. Bằng cách khác, nhà tuyển dụng có thể yêu cầu ứng viên liệt kê một hoặc hai dự án lý tưởng mà họ muốn thực hiện trong tương lai và xem xét tính khả thi của chúng.
Bởi vì tư duy chiến lược bao hàm cả việc bạn phải học tập và nỗ lực liên tục, nhà tuyển dụng có thể đặt câu hỏi với ứng viên về những nguồn hoặc cách thức mà họ trau dồi kỹ năng của mình. Một ứng viên ưu tú sẽ là người chủ động gợi ý cho bạn một vài nguồn hữu ích và bạn có thể so sánh chúng với các nguồn mà nhân viên hiện tại của bạn sử dụng. Bạn cũng có thể đặt câu hỏi về chiến lược của công ty, các sản phẩm chiến lược, các sai lầm chiến lược gần đây trên thị trường, các đối thủ và các công ty chiến lược trong ngành. Các ứng cử viên tốt nhất sẽ nghiêm túc tìm hiểu những điều này trước khi có ý định ứng tuyển vào công ty bạn.
Tuyệt chiêu 6 – Lắng nghe và đánh giá những câu hỏi đến từ ứng viên
Ứng viên phù hợp sẽ chủ động đặt câu hỏi của riêng họ liên quan đến chiến lược. Bạn nên lưu ý về số lượng và chất lượng của các câu hỏi chiến lược mà họ hỏi, và hãy đặt nghi vấn khi một ứng cử viên không hỏi bất kỳ câu hỏi nào.
Những câu hỏi từ ứng viên như “Làm thế nào để vị trí công việc này phù hợp với chiến lược của công ty? hay “Công ty mong đợi em/mình có thể đóng góp gì cho những chiến lược đang diễn ra tại công ty?” là những điểm cộng cực kì lớn.
Rất nhiều nhà điều hành doanh nghiệp thường tự đặt cho mình câu hỏi những nhân viên thực sự sở hữu tư duy chiến lược chiếm bao nhiêu phần trăm trong số nhân viên của mình. Nhưng câu trả lời của luôn giống nhau: Họ không thể có được quá nhiều những người như vậy. Thật không may, rất ít công ty nhận diện và giữ chân được những nhân tài hiếm hoi này về phía mình, một phần bởi vì phương pháp phỏng vấn của họ chưa thực sự được tối ưu. Đây là lúc để bạn bắt đầu mang những câu hỏi trên vào buổi phỏng vấn của bạn.