Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế
1177
Nếu từng lắng nghe tâm sự của các phỏng vấn viên, bạn sẽ biết rằng họ thực sự mệt mỏi và chán ngấy khi cứ phải tiếp nhận những câu trả lời cùng một công thức lặp đi lặp lại. Họ sợ hãi phải tiếp tục đối diện với những mẫu hội thoại rập khuôn đó trong tương lai, kiểu giao tiếp chỉ gây mất thời gian mà không giúp đôi bên hiểu về nhau hơn. Và tất nhiên, với ứng viên “học vẹt” như thế thì nhà tuyển dụng không còn cách nào khác hơn phản hồi bằng một câu vô cùng kinh điển: “Xin cảm ơn!”.
Hãy cùng điểm mặt lại một số thủ phạm lớn nhất để bạn có thể chủ động né tránh và có phương án trả lời phỏng vấn tốt hơn trong những lần sau nhé!
1. “Điểm yếu lớn nhất của tôi là làm việc quá siêng năng”
Thường thì bạn cho rằng câu nói của mình hàm ý: “Tôi làm việc thực sự chăm chỉ”.
Khi vừa bước chân vào con đường sự nghiệp, đây có vẻ như một câu trả lời hoàn hảo khiến các nhà tuyển dụng tin rằng bạn chính là nhân tài không có điểm yếu. Thậm chí bạn còn tin rằng nếu có bất cứ một khía cạnh nào cần cải tiến thì đó chính là tính hăng hái và tận tâm là việc. Bạn rời khỏi nhiều cuộc phỏng vấn với tâm trạng hài lòng về biểu hiện của bản thân, sao lại có công ty nào không muốn tuyển dụng người có ý thức làm việc chăm chỉ và hết mình như mình cơ chứ!
Tuy nhiên, hãy nghe cảm nhận của phỏng vấn viên: “Tôi sẽ không thừa nhận bất cứ sai sót hay khiếm khuyết nào cả, nghĩa là tôi sẽ không bao giờ trở nên tốt hơn”.
Sự thật về câu trả lời này là nếu ứng viên cứ khăng khăng mình hoàn hảo về mọi mặt, nhiều nhà tuyển dụng lại cho rằng họ không có khả năng tự nhận thức. Chẳng ai muốn làm việc với một người luôn nghĩ rằng họ không có khuyết điểm.
Thực tế, các chuyên viên tuyển dụng đã chia sẻ rằng rất nhiều cuộc phỏng vấn tuyệt vời mà họ từng thực hiện chính là với những ứng viên sẵn lòng chia sẻ điểm yếu và cách họ nỗ lực nhằm hoàn thiện bản thân. Đây mới là điều nhà tuyển dụng muốn nghe khi đặt ra câu hỏi này. Họ biết rằng không ai hoàn hảo cả và các nhân viên cũng có thể mắc sai lầm khi làm việc, còn điều họ hiện tại vẫn chưa biết chính là thái độ cũng như tư duy của bạn sẽ như thế nào khi đối mặt và xử lý những thất bại không thể tránh khỏi. Điều này thực sự quan trọng hơn việc bạn cố gắng tô vẽ bản thân như một người tuyệt vời khó tin.
2. “Thật lòng tôi không thể nhớ ra một mâu thuẫn nào trước đây, bởi vì tôi làm việc rất tốt với tất cả mọi người”
Bạn nghĩ rằng mình đang nói: “Tôi là một đồng đội tuyệt hảo”.
Khi nói ra điều này, đơn giản bạn muốn có được cái nhìn thiện cảm và ấn tượng tốt trong mắt phỏng vấn viên. Mọi công ty đều mong sở hữu những nhân viên biết cách làm việc nhóm. Những người không có kỹ năng hoà nhập và phối hợp nhóm thường bị xem là kém khôn ngoan. Bạn tin các công ty sẽ tìm cách thuyết phục và lôi kéo những “tuyệt phẩm” như bạn.
Nhưng suy nghĩ thực sự của phỏng vấn viên: “Đây là điều mà tôi đã dự liệu và nhiều khả năng cũng sẽ nói ra”. Lỗi ở đây không phải là câu nói “tôi có thể làm việc tốt với bất cứ ai”, mà là do bạn chỉ nói như thế mà không bổ sung thêm thông tin hợp lý làm rõ bối cảnh cùng trải nghiệm.
Không có thêm dẫn chứng hoặc ví dụ cụ thể, câu nói này chỉ có thể giống như một lý thuyết bạn học lỏm từ ai đó và quyết định nói ra nhằm khiến mình trông có vẻ hoà nhã, tốt đẹp hơn thôi. Một lần nữa, hãy nhớ rằng nhà tuyển dụng mong muốn lắng nghe những câu chuyện về cách bạn làm việc trong các tình huống khó khăn như một thành viên thực thụ của nhóm.
Bởi cũng giống như câu hỏi về điểm yếu, buổi phỏng vấn không phải là dịp để khoe khoang rằng bạn hoàn hảo ra sao, nhà tuyển dụng muốn hiểu cách thức bạn làm việc khi mọi thứ diễn ra không như kế hoạch, đồng thời qua đó nhìn nhận xu hướng ứng xử cá nhân hoặc tư duy tích cực của bạn giữa môi trường tập thể.
3. “Tôi không thể tưởng tượng chuyện mình làm việc ở nơi nào khác”
Bạn nghĩ rằng mình đang truyền đạt thông điệp: “Tôi thực sự quan tâm và muốn công việc này”.
Trong một số thời điểm, lời khuyên mà bạn đã nghe hơn cả ngàn lần là phải thuyết phục công ty tin rằng họ là mục tiêu duy nhất của bạn. Và khi bạn đã gặp được công việc như mơ ước, lời khuyên này vô cùng ý nghĩa. Sau tất cả, không giám đốc tuyển dụng nào sẽ đón về công ty một người không muốn có mặt ở đó. Cho nên khi bạn biết mình muốn gia nhập nhóm, bạn thể hiện ra tất cả sự nhiệt tình. Trong thời điểm trọng đại như vậy, để giành được một đề nghị làm việc, bạn muốn nói những lời tâng bốc đến nỗi chuyên viên tuyển dụng không thể không nghĩ rằng bạn thuộc về nơi đó.
Nhưng nhiều khả năng người nghe sẽ hiểu câu trả lời đó thành: “Tôi chưa tìm hiểu gì cả”. Các phỏng vấn viên không chỉ muốn xác nhận lại rằng họ không đang thuê một ứng viên sẽ chấp nhận bất kỳ công việc gì mà còn kỳ vọng bạn đã thực sự tìm hiểu chi tiết. Nếu bạn không thể trao đổi về một dự án, sáng kiến hoặc chiến dịch cụ thể mà công ty đã và đang triển khai hoặc bất kỳ thông tin nào đó tìm thấy trên website của họ, toàn bộ câu nói này chỉ toát lên sự thật là bạn “học vẹt” các gợi ý từ đâu đó thôi.
Các cuộc phỏng vấn hẳn không phải là điều thú vị nhất mà chúng ta hằng mong đợi. Bởi các ứng viên mặc định phải đối diện với rất nhiều áp lực từ vô hình đến hữu hình khác nhau. Bạn được nhắc nhở rằng phải luôn có vẻ ngoài tươm tất, phải ấn tượng ngay từ những tích tắc giao tiếp đầu tiên, phải thận trọng trong từng câu nói, và phải đĩnh đạc đến tận giây phút cuối cùng chào tạm biệt nhà tuyển dụng. Đã chuẩn bị rất kỹ nhưng đôi khi vẫn rơi vào hoàn cảnh trớ trêu. Mang tâm lý như vậy, không ít người đã chọn cách bấu víu vào những chỉ dẫn sử dụng các “câu thần chú” giúp điều hướng cuộc phỏng vấn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng các tuyên bố rập khuôn có mạnh mẽ đến mấy cũng không thể giúp bạn trở nên sáng giá và đáng tin hơn.
Nhà tuyển dụng cần nhìn thấy cá tính và năng lực thực sự của ứng viên, muốn làm được như vậy thì bạn phải “thêm muối” vào để buổi trò chuyện bớt nhạt nhẽo, sáo rỗng đi. Thay vì lo lắng xem mình đã nói đúng từng câu theo hướng dẫn các bước hay chưa, bạn hãy tập trung trả lời các câu hỏi thật kỹ lưỡng và đúng trọng tâm nhất có thể. Sau tất cả, tính cách và bộ kỹ năng mà bạn đang sở hữu mới chính là mấu chốt chinh phục “cái gật đầu” của nhà tuyển dụng tốt hơn nhiều lần so với các câu trả lời học thuộc lòng.
Chúc bạn sẽ thật tự tin để thuận lợi vượt qua những buổi phỏng vấn trong tương lai theo cách thú vị nhất nhé!
Tin liên quan
HOẠT ĐỘNG DƯỢC BỆNH VIỆN
14 - Jan
KINH DOANH VÀ PHÂN PHỐI DƯỢC PHẨM
09 - Jan