Những nguồn thông tin Y-Dược hữu ích Dược sĩ cần biết

 

Tìm Việc Làm Ngành Dược & Y Tế

17/10/2019 00:07

1877

Nếu hỏi bất kỳ ai trong chúng ta kể tên ba ảnh hưởng xấu của thịt đỏ, thịt chế biến (xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội)  lên sức khỏe, tôi tin chắc rằng hầu hết ai cũng có thể kể vanh vách: tăng cholesterol xấu, tăng nguy cơ một số loại ung thư, thúc đẩy quá trình lão hóa…Như vậy hầu hết chúng ta đều nghĩ, hạn chế ăn thịt đỏ là một cách hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe. Tôi luôn nghĩ rằng điều ấy đúng, cho đến cách đây vài ngày khi tôi đọc được bài báo với nội dung giảm 3 phần tiêu chuẩn (serving) thịt đỏ/tuần ảnh hưởng rất nhỏ đến đến sức khỏe (thông tin này được đăng trên NEJM journal watch chứ không phải một tờ báo lá cải). Ở đây, tôi không có ý định tranh luận về ảnh hưởng của thịt đỏ lên sức khỏe, mà tôi muốn nhấn mạnh trong lĩnh vực Y – Dược nói chung, những gì đúng ngày hôm qua có thể sai ở ngày hôm nay.  Do đó, việc cập nhật kiến thức có ý tối quan trọng trong lĩnh vực y dược, khi kiến thức và quyết định của chúng ta có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Với sự bùng nổ thông tin, chưa bao giờ việc tiếp cận thông tin y khoa lại dễ dàng hơn bây giờ (thậm chí bạn có thể cập nhật ngay khi lướt facebook). Vấn đề đặt ra, làm sao lựa chọn được nguồn thông tin đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu và dễ áp dụng. Trong phần tiếp theo của bài viết, tôi muốn được chia sẻ những nguồn thông tin trực tuyến như vậy – theo quan điểm và góc nhìn cá nhân. Cần chú ý rằng đây là những chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, không dựa trên một bảng xếp hạng hay “impact factor” của các tạp chí.
 

  1. Những tạp chí y khoa danh tiếng

The New England Journal of Medicine

Nếu mình đưa ra 5 cái tên ở đây giống như ngũ tuyệt trong truyện anh hùng xạ điêu của Kim Dung, với cá nhân mình NEJM xứng đáng đứng vị trí của Trung Thần Thông – Vương Trùng Dương. Tất cả các nghiên cứu khi được đăng tải trên tạp chí này đều có giá trị rất lớn, thậm chí xô đổ các quan niệm y khoa trước đây, thay đổi khuyến cáo điều trị. Nếu được đăng tên lên tạp chí này, bạn có thể tự hào về sự nghiệp nghiên cứu y khoa của mình vì bạn đã nằm trong top những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành thế giới trong một lĩnh vực y khoa nào đó.

Ngày nay có thể có nhiều tạp chí y khoa danh tiếng bị thương mại hóa nhưng chưa khi nào NEJM bị phàn nàn về vấn đề này. Ngoài các bản toàn văn của nghiên cứu gốc, tạp chí này còn có những bài tổng quan về các bệnh lý đi từ sinh lý bệnh cho đến điều trị, thậm chí các những phương pháp điều trị trong tương lai cho bệnh lý đó. Các ca báo cáo về các bệnh hiếm, những ca bệnh khó cũng được đăng tải trên tạp chí này.

Trước đây tạp chí này cho độc giả Việt Nam đọc miễn phí các bản toàn văn do nước ta được liệt vào danh sách “đang phát triển”. Nhưng gần đây, tạp chí này đã bỏ chế độ ưu đãi đấy nên chúng ta cần bỏ tiền để mua các bài báo trên này.

Cochrane Database of Systematic Reviews

Khi nhắc về “độ mạnh” của các bằng chứng y khoa, các nghiên cứu ngẫu nhiên, đối chứng (randomized controlled trial – RCT) được thiết kế chặt chẽ (mù đôi, giả dược kép) đăng trên những tạp chí bình duyệt (peer-review) được rất nhiều người nhắc đến như chuẩn mực về độ mạnh. Nhưng chúng ta quên rằng, trên RCT còn có các phân tích gộp (meta analysis), các bài tổng quan hệ thống (systemic review) được tổng hợp từ các nghiên cứu có thiết kết chặt chẽ. Và Cochrane Library là thư viện chuyên đăng tải các bài phân tích gộp, tổng quan hệ thống như vậy. Nói đến đây, chắc mọi người cũng hiểu mức độ “VIP” của trang này.

The Lancet

Suốt gần hai năm làm trình dược viên, khi tôi chưa có điều kiện để đọc quá nhiều và khi nói về tạp chí y khoa tôi chỉ biết có hai tạp chí: NEJM và The Lancet. Không cần phải đọc quá nhiều cũng sẽ biết về hai tạp chí này, đơn giản vì chúng quá nổi tiếng.

The Lancet là một trong mười tạp chí y khoa được xuất bản bởi nhà xuất bản danh tiếng Elsevier. Tạp chí cung cấp các thông tin y khoa giá trị về các chuyên ngành: đái tháo đường và nội tiết, y tế toàn cầu (global health), huyết học, HIV, bệnh nhiễm, thần kinh, tâm thần học, ung thư và bệnh lý hô hấp.

Tôi cá với các bạn trong mọi bảng xếp hạng, The Lancet luôn luôn đứng ở vị trí chót vót, kể cả về chỉ số ảnh hưởng (impact factor) hay mức độ ảnh hưởng đến thực hành y khoa.

JAMA

Tạp chí The Journal of the American Medical Association (JAMA) là một trong mười tạp chí được xuất bản bởi JAMA Network.

Trong năm 2015, JAMA là một trong những tạp chí y khoa được lưu hành nhiều nhất trên thế giời với hơn 320,000 bản in, 1.2 triệu người  đăng ký nhận thông báo và trên 20 triệu lượt truy cập. Những con số không biết nói dối, bạn có thể nhìn và cảm nhận mức độ ảnh hưởng của JAMA.

JAMA là tạp chí bình duyệt với các nội dung bao trùm rất nhiều lĩnh vực y khoa: tim mạch, da liễu, nội khoa, thần kinh, ung thư, nhãn khoa, phẫu thuật đầu cổ, nhi khoa và tâm thần học.

BMJ

The British Medical Journal (BMJ) được xuất bản từ năm 1840, và trong những tạp chí y khoa Anh quốc, với cá nhân mình đây là tạp chí có độ tin cậy cao nhất.

 

 

2.Các tạp chí về Dược học

Pharmaceutical Journal (PJ)

Là tạp chí chính thức của Hội Dược học Hoàng gia Anh (Royal Pharmaceutical Society) – hội được thành lập vào năm 1841. Tạp chí cung cấp rất nhiều thông tin ở các khía cạnh khác nhau trong ngành dược: từ dược lý, bào chế cho đến các thông tin về phát triển nghề nghiệp.

PJ được coi là một trong những tạp chí lâu đời nhất thế giới, ấn bản đầu tiên được ra đời vào tháng 7 năm 1841. Trong khoảng những năm 1870 tạp chí chuyển từ xuất bản hàng tháng thành xuất bản hàng tuần. Những năm gần đây, tạp chí chuyển sang dạng tạp chí trực tuyến cập nhật thông tin hàng ngày. Năm 2015, ấn bản in được xuất bản hàng tháng trở lại, trong khi đó các thông tin trên ấn bản trực tuyển vẫn được cập nhật hàng ngày.

Chemist and Druggist (C+D)

C+D là là tạp chí xuất bản hàng tuần được thành lập vào năm 1859 bởi an hem nhà Morgan. Ấn bản in cuối cùng được in vào tháng 12/2016, và sau đó các thông tin, phân tích, bình luận, ý kiến liên quan đến cộng đồng dược. Mỗi tháng có khoảng hơn 100,000 người sử dụng mỗi tháng.

Tạp chí cung cấp các thông tin, phân tích trong ngành dược cũng như các thông tin thiết yếu của khoảng hơn 100,000 dươc phẩm.

 

Pharmacy Times

Một trang miễn phí rất hữu ích cho dược sĩ nhà thuốc cũng như dược sĩ lâm sàng làm việc tại các bệnh viện. Ngoài các tin tức y dược chung, các thông tin được cập nhật từ hội nghị, tạp chí còn có các tình huống lâm sàng để chúng ta nắm bắt thông tin một cách trực quan nhất.

Trong mục “Publications” các bạn có thể tìm thấy các ấn bản khác nhau của tạp chí, từ các thông tin về nghề nghiệp, thuốc OTC, thực phẩm chức năng cho đến các thông tin về ung thư. Nội dung mỗi bài viết rất nhẹ nhàng, dễ đọc và dế áp dụng.

International Journal of Pharmacy Practice (IJPP)

Tạp chí IJPP là tạp chí quốc tế, bình duyệt (peer-review), nằm trong thư viện Medline. Đây là một trong những tạp chí hàng đầu cung cấp các nghiên cứu liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong thực hành dược, trong y khoa và trong điều trị. Các chủ đề được đăng trên tạp chí bao gồm: phân phối và cung ứng thuốc, quan điểm chuyên gia/bệnh nhân, y học chứng cứ, chương trình đào tạo dược học, thực hành y khoa.

Chú ý rằng đây không phải tạp chí miễn phí, các bạn có thể tìm hiểu về cách “giải quyết vấn đề này” nhé, đặc biệt khi hầu bao không quá rủng rỉnh.

 

 

 

 

International Journal of Clinical Pharmacy (IJCP)

IJCP là tạp chí quốc tế bình duyệt, được xuất bản hai tháng một lần. Tạp chí công bố các dữ liệu nghiên cứu (original research), những ý tưởng mới, những thảo luận xung quanh vấn đề dược điều trị (pharmacotherapy), kinh tế dược, dịch tễ dược học, sử dụng thuốc, thiết bị y tế, thiết bị chẩn đoán trên lâm sàng, các khía cạnh về lâm sàng tại nhà thuốc.

Cũng như IJPP, đây không phải tạp chí miễn phí.

 

 

Namud Insider

Sẽ là rất khập khiễng khi đặt Namud Insider đứng cạnh những tạp chí dược học nói trên nếu xét thuần túy về khía cạnh chuyên môn, chất lượng thông tin cũng như “đẳng cấp”. Nhưng đây là một trong những cộng đồng chia sẻ thông tin Y dược đầu tiên tại Việt Nam mà tôi biết, ở đây bạn không chỉ được cập nhật kiến thức thông qua việc “được chia sẻ” mà bạn có thể học bằng cách “chia sẻ” thông tin với cộng đồng dược. Đặc biệt trang sẽ rất hữu ích nếu bạn “ngại” đọc tiếng Anh.

3.Các tổ chức y tế quốc tế

World Health Organisation

Có dược sĩ nào không biết WHO nhỉ. Khi mình cần tìm các thông tin về dịch tễ tại Việt Nam, thông tin chung về hệ thống y tế, dịch vụ y tế hoặc các khuyến cáo về các bệnh lý mang tính cộng đồng thì đây là một trong những trang đầu tiên mình nghĩ tới.

 

 

International Pharmaceutical Federation (FIP)

Từ A tới Z các thông tin cho sinh viên dược đến dược sĩ làm trong các lĩnh vực khác nhau: hóa sinh, dược lý, dược lâm sàng, kinh tế dược, ngành công nghiệp dược… Các bạn thử khám phá nhé.

4.Trang thông tin y khoa chung cho cán bộ y tế

Medscape

Một trong những trang mà mình thích nhất, miễn phí, dễ đọc, thông tin cập nhật từng ngày. Đây là một trong những trang mình ghé đọc nhiều nhất. Bạn chỉ cần đăng ký một tài khoản miễn phí là bạn có thể truy cập một lượng thông tin khổng lồ từ tim mạch, ung thư, bệnh nhiễm, cập nhật thông tin từ  các hội nghị quốc tế lớn, các thông tin phê duyệt thuốc mới tại Mỹ, các thông tin về bệnh học, tra cứu thông tin về thuốc. Bạn có thể đọc ấn bản online hoặc tra cứu thông tin off-line trên ứng dụng điện thoại. Bạn có thể nằm bắt các thông tin mới nhất trong ngày ở mục “today on medscape”

Mình rất thích các bài CME trên Medscape, bạn vừa có thể cập nhật kiến thức y khoa, vừa học tiếng Anh (rất dễ nghe, họ cố ý nói chậm để mình có thể bắt kịp).

Tuy nhiên có một lưu ý nhỏ, các bài viết trên medscape không phải là các nghiên cứu gốc (original research) mà các nghiên cứu thường được trích dẫn một phần dữ liệu kèm thêm phần bình luận mang theo quan điểm cá nhân khá nhiều. Rất nhiều lần mình bị “hố” do các bài báo trên đây “giật tít”, do đó mình thường coi đây là cổng thông tin để mình cập nhập nhanh trước khi đi vào xem các nghiên cứu gốc.

  • Tạp chí cung cấp thông tin y khoa cơ bản

Dưới đây là những tạp chí cung cấp thông tin ở mức độ cơ bản, không chỉ dược sĩ, bác sĩ có thể đọc mà ngay cả bệnh nhân cũng có thể tìm thấy các thông tin hữu ích tại đây. Do mình ít khi truy cập vào các trang này nên phần bình luận mình sẽ để lại cho các bạn nhé.

  • Selfcareforum
  • Mayoclinic
  • BBC Health
  • Patient
Tags

Tin liên quan